Giáo viên trường chuyên bày cách ôn tập môn Sử


 Theo Dân Trí - Theo TTVN


“Nên dùng sơ đồ tư duy để ôn tập Lịch sử bởi đó là cách nhanh nhất để hệ thống hóa kiến thức và quan trọng. Tuyệt đối không nên học tủ mà cần phải ôn tập đầy đủ và có trọng tâm”.
Đó là những chia sẻ của thầy Trần Huy Đoàn, giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) với các bạn học sinh (HS) cũng như các đồng nghiệp về cách ôn tập môn học này trong kì thi tốt nghiệp THPT năm nay. Theo thầy Huy Đoàn, HS cần có hai cơ sở để ôn thi tốt nghiệp. Một là nội dung ôn tập và hai là phương pháp ôn tập.

Về nội dung ôn tập: Trước hết, HS cần định hướng rõ ràng về cấu trúc đề thi và ma trận đề thi. Về cấu trúc đề thi tốt nghiệp, theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT có hai phần: phần chung và phần tự chọn. Mức điểm số ở phần chung là 7 điểm còn phần riêng là 3 điểm. Về ma trận đề thi, có ba bậc: bậc 1, yêu cầu nhận biết (chiếm khoảng 70% số điểm); bậc 2, yêu cầu hiểu biết (chiếm khoảng 20% số điểm); bậc 3, yêu cầu vận dụng (chiếm khoảng 10% số điểm). Riêng đối với GDTX thì mức độ vận dụng nhẹ nhàng đi còn phần nhận biết tăng lên. Trên cơ sở cấu trúc đề thi và ma trân đề thi, học sinh sẽ xác định về dung lượng kiến thức và phương pháp ôn tập cho hiệu quả.

 
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2011.





Tài liệu ôn tập: HS nên bám vào SGK và Tài liệu “Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng” môn Lịch sử lớp 12 của Bộ GD-ĐT. Không nên chỉ sử dụng mỗi tài liệu chuẩn bởi đây là tài liệu mang tính chất gợi ý. Cách đây vài năm có HS khi học theo tài liệu chuẩn đã không làm được trọn vẹn bài thi nên dẫn đến điểm số không cao.

Khi ôn thi tốt nghiệp, giáo viên (GV) cần phải đưa ra các kiến thức cơ bản, bám sát vào mục tiêu cấp học theo đúng tinh thần của Bộ GD-ĐT đề ra. GV cũng nên căn cứ vào phần “Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học môn Lịch sử, cấp THPT” năm 2011-2012 của Bộ GD-ĐT để giảm tải, cắt bỏ những phần không thuộc phạm vi chương trình giảng dạy. Những phần đọc thêm thì cần tổ chức cho HS tự học.

Về phương pháp ôn tập: yêu cầu đối với GV là nên tập trung phần kiến thức cơ bản. Cần trình bày mạch lạc, rõ ràng, gọn nhất theo kiến thức cơ bản. Không nên trang bị quá nhiều sẽ khiến HS không thể tiếp thu được.

Về phía HS thì cách tự học hiệu quả nhất là nên tổ chức nhóm 2-3 người để tự truy bài cho nhau. Tổ chức thu gọn kiến thức một cách hệ thống theo bài, theo chương.

Trong khi ôn tập, HS nên lập sơ đồ tư duy theo từng nội dung. Từ một vấn đề lớn, được phát triển thành các nhánh đơn vị kiến thức nhỏ. Thông qua đó dễ nhìn và hệ thống kiến thức một cách mạch lạc hơn.

Khi làm bài thi, nên dành 10 phút để đọc kỹ đề, nội dụng câu hỏi cần trả lời. Xác định đó là sự kiện nào, phạm vi thời gian nào xảy ra sự kiện đó... Khâu này rất quan trọng bởi hiểu nhầm đề, lạc đề rất nguy hiểm. Phải biết tỉnh táo dựa vào ý nghĩa các sự kiện để xác định sự kiện.

Chẳng hạn như “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), phong trào đấu tranh nào đánh dấu bước phát triển của cách mạng ở miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công?” thì cần phải liên tưởng ngay đến phong trào Đồng Khởi (1959-1960).

Bên cạnh đó, HS cũng cần phải định hình rõ ràng câu hỏi bởi nhiều cụm từ thường hay làm các bạn hiểu lầm. Ví dụ khi nói đến “thắng lợi nào” thì HS cứ nghĩ ngay đến các sự kiến gắn liền với chiến thắng quân sự. Nhưng trên thực tế có nhiều góc độ xét đến việc thắng lợi như thắng lợi kinh tế, thắng lợi về chính trị, thắng lợi về ngoại giao, thắng lợi về quân sự…

Bài đăng phổ biến từ blog này